Gái bán hoa sẽ hoành hành Ukraine
12.000 gái bán hoa sẽ hoạt động tại Ukraine trong thời gian diễn ra Euro là con số thống kê sơ bộ của cảnh sát. Sởn da gà hơn là 30% số gái mại dâm ở đây được xác định đã nhiễm HIV. Tỷ lệ này chắc chắn còn tăng nhanh khi trái bóng Tango 12 chính thức lăn.
Buồn thay, Euro 2012 có nguy cơ trở thành một gánh nặng xã hội cho đất nước đang hằng ngày, hằng giờ quay cuồng trong cơn bão khủng hoảng tài chính châu Âu. Bởi thế, làn sóng phẫn nộ và bất mãn đang diễn ra ngày một nhiều tại Ukraine và làm cho bầu không khí ngày hội bóng đá lớn nhất châu lục thêm phần u ám.
Chính người dân Ukraine cho tới thời điểm này vẫn phải đặt những dấu hỏi về tính hiệu quả mà Euro có thể mang đến cho đất nước này. Hàng tỷ USD đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ sự kiện thể thao chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng. Không ít niềm phấn khích của người dân địa phương từng có cách đây 6 năm khi Ukraine trở thành nước đồng chủ nhà đăng cai Euro giờ đã bị xâm chiếm bởi nỗi ác cảm, thậm chí là thái độ thù hằn.
FEMEN chống Euro.
Chẳng những vậy, Euro còn phải đối mặt với sự phản đối của các nhà hoạt động bình đẳng giới. Kazimiera Szczuka, nhà hoạt động bình đẳng giới nổi tiếng nhất Ba Lan cho biết Euro là sự kiện dành cho đàn ông và phụ nữ sẽ không thể tham gia cùng.
Điều này liên quan mật thiết với những cuộc biểu tình của FEMEN trong thời gian qua. FEMEN đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, cho dù cách những cô gái biểu tình với khuôn ngực để trần, hay tụt váy áo trong 2 lần cướp cúp bạc gần đây chẳng lấy gì là thẩm mỹ cho lắm. Người đứng đầu của tổ chức này là Anna Hutsol khẳng định, cô và 300 thành viên FEMEN sẽ tiếp tục tìm cách bày tỏ quan điểm của mình trong suốt thời gian giải đấu diễn ra ở cả Ukraine và Ba Lan.
Hooligan “kích cầu” phân biệt chủng tộc ở Ba Lan
Những tin tức kiểu như đổ máu tại chung kết cúp quốc gia Ba Lan, hội CĐV Ba Lan đoàn kết “xử” hooligan Anh, CĐV Nga lên chiến dịch “xâm lược” các SVĐ Ba Lan - Ukraine đã như chuyện cơm bữa trên mặt báo. Trong vòng 2 năm qua đã có 195 vụ việc phân biệt chủng tộc được ghi nhận tại hai quốc gia đăng cai kỳ Euro lần thứ 14 trong lịch sử. Đặc biệt, đối tượng của các phần tử cực đoan phần lớn là du khách nước ngoài.
Điều này cản trở nghiêm trọng những nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc quảng bá văn hóa và sự thân thiện của mình ra thế giới. Tổng thư ký hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (FIFPro) cách đây không lâu đã đăng đàn khẳng định theo kiểu nói ngược, rằng: “Sẽ chẳng có bạo lực, nếu như bên trong và bên ngoài các SVĐ xem Euro chỉ là CĐV tới từ Ba Lan”.
Sự kỳ thị với người nước ngoài ở Ba Lan từ lâu vốn đã rất cực đoan. Nó tồi tệ tới mức bất kỳ cầu thủ ngoại nào thi đấu tại giải ngoại hạng, dù là da trắng, da đen, da màu hay người Do Thái, tất cả đều nhận được những lời xua đuổi, xúc phạm kiểu như: “Cút về đi, đồ khỉ đột!”. Cleber (người Brazil), David Biton (người Israel) của CLB Wisla là hai trong số 11,7% cầu thủ chuyên nghiệp tại hai đất nước Đông Âu này bị hành hung và 9,5% bị phân biệt chủng tộc thường xuyên.
Pape Samba Ba – tuyển thủ ĐT Senegal thời còn khoác áo CLB Opole, Tây Nam Ba Lan từng nhận xét trên BBC: “Tôi chơi bóng vài năm ở đó và nhận ra chẳng có bất cứ hàng rào an ninh nào cả”. Trong khi đó, Bruno Coutinho, tiền vệ của Polonia Warsaw thì chua xót bộc bạch anh từng được người anh trai da màu tới thăm ở trụ cở CLB. Và người dân nơi đây nhìn anh trai của Coutinho như thể một người ngoài hành tinh.
Những sự kiện lớn như Euro bao giờ cũng là dịp hooligan thả sức. Nguy cơ về phân biệt chủng tộc, bạo động có vũ trang, thậm chí là nổi loạn núp dưới chiêu bài chính trị, sắc tộc thực sự là vấn đề nan giải với hai nước đồng chủ nhà Ba Lan – Ukraine trong thời gian tới.
Mourinho gọi tân HLV Liverpool là “người đặc biệt”
Ít ai biết Brendan Rogers, người vừa được ban lãnh đạo Liverpool lựa chọn thay thế Kenny Dalglish, từng có thời gian cộng tác cùng Jose Mourinho ở Chelsea. Trong ký ức của “người đặc biệt”, Brendan là người rất nhiệt huyết và giàu ý tưởng. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha khẳng định cựu trợ lý của mình sẽ thành công trong cương vị mới ở Anfield. (Hà Thành)
Scandal tuyển Italia gây tranh luận trên cộng đồng mạng Việt Nam
Cơn bão scandal dàn xếp tỉ số vừa quét qua vùng đất hình chiếc ủng và để lại dư chấn nặng nề cho hình ảnh đội tuyển quốc gia Italia. Tuyển thủ Criscito bị gạch tên khỏi danh sách dự Euro 2012 cũng chỉ vì bị tình nghi “dính chàm”. Sự việc đã gây xôn xao tranh luận trên mạng xã hội Facebook Việt. Rất nhiều hội CĐV ra đời chỉ nhằm tẩy chay đội quân của HLV Prandelli. Đáp lại, các Tifosi Việt cho rằng những “con sâu làm rầu nồi canh” chỉ là thiểu số và không đại diện cho cả nền bóng đá Italia. (Nam Chấn)
Balotelli bị ăn tát trong lễ xuất quân của tuyển Italia
Đùa quá trớn khi lấy tay kéo trễ cà vạt của Thiago Motta trong buổi chụp hình trước ngày lên đường dự Euro, Balotelli đã hứng một cú tát khá mạnh từ đàn anh. Rất may, trong một hôm trời hửng nắng, gió mát, siêu quậy 21 tuổi đã không gây ra cuộc ẩu đả nào. Ở loạt trận đầu tiên Euro 2012, tuyển Italia sẽ đụng độ đương kim vô địch Tây Ban Nha ngày 10/6. (Hồng Quang)
Tuyển Anh lâm nguy: Lampard chia tay, Parker chấn thương
Sau khi Gareth Barry rồi Frank Lampard chính thức nói lời tam biệt Euro 2012, tuyển Anh chỉ còn biết trông chờ vào Scott Parker. Tuy nhiên, tiền vệ 31 tuổi đang dính chấn thương gót chân và vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn thể lực sau mùa giải dài và nặng nhọc cùng Tottenham. Khu trung tuyến là nỗi lo lớn nhất của HLV trưởng Roy Hodgson. Trong tay ông chỉ còn thủ quân Gerrard là đáng tin cậy. (Thảo Vi)
Via: cand.com.vn
Short link: Copy - http://whoel.se/~F7gGJ$12n